Với chủ đề “Đổi mới – Dân chủ – Đoàn kết – Phát triển”, Đại hội IX Công đoàn cao su Việt Nam thể hiện ý chí, nguyện vọng vì lợi ích thiết thực của đoàn viên và người lao động toàn ngành, vì sự phát triển bền vững của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG).
Ngày 31.8, tại TP.HCM, VRG tổ chức Đại hội Công đoàn cao su Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023 – 2028.
Đảm bảo chế độ chính sách cho người lao động
Phát biểu khai mạc đại hội, ông Huỳnh Kim Nhựt, Chủ tịch Công đoàn cao su Việt Nam cho biết, trong 5 năm qua, tình hình sản xuất kinh doanh của VRG gặp nhiều khó khăn, nhất là lĩnh vực cao su do giá bán ở mức thấp, ảnh hưởng đến tiền lương, thu nhập và đời sống của người lao động.

Trước bối cảnh trên, Công đoàn cao su Việt Nam đã đồng hành cùng VRG tích cực chăm lo đời sống, việc làm, thu nhập cho người lao động; đồng thời hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn, bám vườn cây, nhà máy; vận động người lao động chia sẻ khó khăn với tập đoàn.
“Đặc biệt trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19, cán bộ công đoàn đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm để cùng ăn, cùng sinh hoạt, cùng làm với người lao động trên vườn cây, trong nhà máy, xí nghiệp để vừa đảm bảo tiến độ và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch”, Chủ tịch Công đoàn cao su Việt Nam chia sẻ.
Báo cáo tại đại hội, bà Trương Thị Huế Minh, Phó chủ tịch Công đoàn cao su Việt Nam cho biết, hiện nay đội ngũ công nhân, viên chức, lao động toàn ngành có gần 80.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số hơn 20.000 người. Đội ngũ công nhân cao su giàu truyền thống cách mạng, đoàn kết, cần cù lao động sản xuất, sẵn sàng vượt qua khó khăn thử thách, yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với đơn vị.
Trong nhiệm kỳ qua, các đơn vị cao su thuộc VRG vẫn luôn cố gắng tạo đủ việc làm, ổn định cuộc sống cho người lao động. Đối với các công ty trồng và khai thác mủ cao su đã thực hiện bố trí lại vườn cây, áp dụng linh hoạt các giải pháp để duy trì việc làm thường xuyên, mở rộng phạm vi thu tuyển lao động, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động ở vùng sâu, vùng xa đến làm việc tại các đơn vị khu vực miền Đông Nam bộ – vùng trọng điểm cao su của VRG.
Đối với các công ty thuộc khối sản xuất gỗ, khu công nghiệp đã tích cực tìm kiếm đơn hàng, mở rộng sản xuất thu hút thêm lao động; các chế độ chính sách của người lao động đều được đảm bảo theo quy định; người lao động đều được ký kết hợp đồng lao động, được tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Hằng năm, Công đoàn cao su Việt Nam cùng VRG chăm lo Tết Nguyên đán cho người lao động với số tiền gần 117 tỉ đồng; tổ chức các hoạt động trong tháng công nhân, chăm lo cho hơn 53.000 lượt đoàn viên, người lao động với số tiền hơn 23,5 tỉ đồng; thực hiện chương trình “Mái ấm công đoàn”, xây dựng mới và sửa chữa hơn 800 căn nhà bị ảnh hưởng thiên tai lũ lụt, hỗ trợ hơn 600 trường hợp bệnh hiểm nghèo; xây dựng hơn 900 thiết chế văn hóa; hỗ trợ 236 lao động bị ảnh hưởng do giảm giờ làm…
Các phong trào thi đua yêu nước do Công đoàn cao su Việt Nam phát động thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, người lao động tham gia. Toàn ngành đã thực hiện gần 470 sáng kiến tham dự Chương trình 75.000 sáng kiến vượt khó, phát triển. Riêng Chương trình 1 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19 đã có hơn 5.700 sáng kiến…
Ngoài ra, Công đoàn cao su Việt Nam tham mưu cho lãnh đạo VRG xây dựng giải thưởng “Phú Riềng Đỏ”, giải thưởng “Cao su Việt Nam”… đã tạo động lực cho phong trào thi đua ngày càng sôi nổi.
Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, vượt khó
Ông Trần Công Kha, Chủ tịch HĐQT VRG nhấn mạnh, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các cấp Công đoàn cao su Việt Nam đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, trong đó nổi bật là công tác chăm lo, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; đẩy mạnh các hoạt động công đoàn với nhiều nội dung, hình thức phù hợp và thiết thực.
